Ông là người Bình Định thành công trong giới võ thuật ở đất Sài Gòn với môn phái Việt Nam Võ Ta - Tây Sơn Bình Định. Võ đường của ông nằm trong một ngôi chùa ở quận Gò Vấp (TP.HCM), nơi ấy không những đông thanh niên mộ võ đến học mà còn có cả những ông già tóc bạc trắng mến võ Tây Sơn - Bình Định tìm đến "tầm sư học đạo". Đó là võ sư Hà Trọng Ngự, chưởng môn phái Việt Nam Võ Ta - Tây Sơn Bình Định...
Sinh ra và lớn lên trên vùng đất võ, Hà Trọng Ngự bước vào nghiệp võ lúc 6 tuổi. Cha ông cũng là một võ sư nên chọn ngày giờ để cúng Tổ một bộ thủ dĩ (một đầu heo) ra mắt Thánh Tổ làm lễ nhập môn, khai tâm học võ, do thúc bá của ông là võ sư Hà Trọng Sơn làm sư phụ chính.
Vốn có tư chất thông minh và năng khiếu bẩm sinh nên cậu bé Hà Trọng Ngự tiến bộ rất nhanh. Những chiêu thức của môn phái đã được cậu lĩnh hội và nhập tâm.
Thời đó, dọc một dải miền Trung, danh tiếng võ sư Hà Trọng Sơn và các học trò Hà Trọng Ngự, Hà Trọng Khánh... đều khiến dân trong nghề và giới hâm mộ võ thuật kính nể.
Năm 1970, tại Nha Trang (Khánh Hòa), Hà Trọng Ngự có một trận đấu vang danh. Trận đó ông đấu với võ sĩ Trọng Dũng là một học trò của võ sư Trọng Đãi - đấu thủ năm xưa của thầy mình. Cả 2 người đều trạc tuổi nhau. Với những thế đánh của môn phái Thiếu Lâm Bắc Phái, Trọng Dũng liên tiếp ra những đòn chân mạnh mẽ, tấn công Hà Trọng Ngự.
Ngự điềm tĩnh, chuyển bộ, xoay mình tránh né và phản công những đòn tay, chân hiểm hóc. Suốt trận đấu cả hai đều ăn miếng trả miếng. Sau 3 hiệp đấu, họ hòa nhau. Đây là trận đấu hay và cũng là trận đấu sau cùng của ông.
Nghiệp võ lưu truyền
Năm 1972, võ sư Hà Trọng Ngự mở võ đường tại quê nhà. Khi ấy ông 25 tuổi. Ông vừa dạy võ vừa học thêm võ Bắc Phái Thiếu Lâm Tự.
Ông đã đào tạo được 24 võ sư, 17 chuẩn võ sư, nhiều HLV trung cao cấp, hàng nghìn võ sĩ và trên 10 nghìn võ sinh. Trong đó, nổi bật nhất là 4 học trò của ông đã từng vô địch nhiều năm của hai môn phái cổ truyền và quyền anh.
Một người là Hồ Đắc Sơn - võ sĩ của đội tuyển võ thuật cổ truyền TP Quy Nhơn, Bình Định lúc trước. Anh vô địch nhiều năm liền với hai môn võ cổ truyền và quyền anh, tham dự SEA Game 16 môn quyền anh và được Tổng cục TDTT phong là kiện tướng quốc gia. Hai người còn lại chính là con trai của ông: Hà Trọng Kha Ly và Hà Trọng Kha Vy.
Tháng 6/1997, võ sư Hà Trọng Ngự rời quê vào TP Biên Hòa, Đồng Nai sinh sống. Ông mở lớp dạy võ ở phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa. Thời gian sau, ông đã gây dựng được 4 phòng tập tại 4 phường: Tân Hiệp, Hố Nai, Tân Biên, Trảng Dài (Biên Hòa). 4 phòng tập này đều do các học trò của ông đứng lớp. Thời gian sau, gia đình ông chuyển lên TP.HCM.
Tháng 11/2007, ông khai trương võ đường Hà Trọng Ngự môn phái Việt Nam Võ Ta - Tây Sơn Bình Định tại chùa Đồng Hiệp, phường 8, quận Gò Vấp. Đệ tử khóa học đầu tiên này chính là các thầy tu và chú tiểu của chùa. Tại đây, đích thân ông dạy và huấn luyện cho các đệ tử cả 2 môn: võ cổ truyền và quyền anh.
Nhiều năm liền ông từng làm trọng tài giám định, giám khảo quốc gia về võ cổ truyền. Ngày 5/2/2009, ông có quyết định bổ nhiệm làm phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu - ứng dụng võ thuật M.C TP.HCM.
Ngày 9/9/2009, ông chính thức tiếp nhận ấn tín và chức chưởng môn phái Việt Nam Võ Ta - Tây Sơn Bình Định.
Tháng 10/2009, ông được gia nhập Tổng hội võ thuật thế giới. Phòng tập của ông chẳng những có ở Đắk Lắk, Đồng Nai, TP.HCM, Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu mà còn có mặt tại Na Uy và Mỹ.
Nhiều năm bôn ba học tập, rèn luyện và lăn lộn ở các sàn đấu, điều đọng lại trong ông là chữ đức. Võ sư Hà Trọng Ngự cho biết: "Người học võ cần lấy đức làm đầu, sự nhẫn nại là căn bản trong đối nhân xử thế. Có như vậy mới thành công".